heo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày hôm qua (16/08) đến sáng nay, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, một số nơi lớn hơn như Km46 (Sơn La) 215mm, Bản Chiềng (Hòa Bình) 250mm, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 116mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 280mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 250mm,…
Sáng nay (17/8), sau khi di chuyển sang khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 10 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 104,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.
Tình hình lũ, lũ quét và trượt lở đất sau mưa bão còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét và trượt lở đất.
Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Sáng 17/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp để ứng phó bão số 4 đã đi vào đất liền và đang gây ra mưa to ở nhiều khu vực.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khi đi vào vùng biển Nam Định - Thanh Hóa, bão số 4 đã suy yếu dần. Từ khoảng 5 giờ sáng 17/8, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa.
Thủy triều thời điểm bão đổ bộ gặp triều thấp (lúc 4 giờ ngày 17/8: +2,1 m tại trạm Hòn Dấu; đỉnh triều lớn nhất trong tháng +3,6 m).
Về mưa, mưa ngày 16/8/2018: Khu vực Bắc Bộ và Bắc trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 30 - 80 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 119 mm, Mường Chiềng (Hòa Bình) 115 mm, Mai Châu (Hòa Bình) 97 mm, Km22 (Sơn La) 87 mm; Km46 (Sơn La) 109 mm, Mai Châu (Sơn La) 97 mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 83 mm.
Mưa đêm từ 19 giờ ngày 16/8 đến 1 giờ ngày 17/8: Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa đến mưa to, phổ biến từ 20 - 40 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như KM46 (Sơn La) 52 mm, Mai Châu (Hòa Bình) 49 mm, Mường Chiềng (Hòa Bình) 49 mm, Phú Hộ (Phú Thọ) 45 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 76 mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 47 mm.
Trong ngày và đêm 17/8, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa to (50 - 150 mm). Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và ảnh hưởng an toàn hồ đập ở Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện Như Thanh, Như Xuân và Tĩnh Gia.
Về lũ, 3 giờ ngày 17/8, mực nước trên sông Mã tại Hồi Xuân là 59,50 m, trên BĐ1 0,5 m; trên sông Chu tại Bái Thượng là 15,72 m, trên BĐ1 0,72 m; mực nước sông Đà, sông Thao, sông Bùi, sông Hoàng Long, sông Bưởi ở dưới mức BĐ1.
Dự báo, đỉnh lũ trên sông Đà và sông Thao lên mức BĐ2 và trên BĐ2; sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Mã, sông Chu có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3, riêng sông Bưởi lên mức BĐ3 và trên BĐ3, thượng lưu sông Cả lên mức BĐ1 - BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình và hạ lưu sông Cả ở mức BĐ1.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp để ứng phó bão số 4. Ảnh: H.V
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, qua cơn bão số 4 có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như: công tác chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, cố định biển quảng cáo còn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Thiếu trang thiết bị để tổ chức họp giao ban trực tuyến thường xuyên giữa trung ương và các địa phương; thiếu các trạm đo mưa tự động. Qua diễn biến của cơn bão, công tác dự báo về cơn bão cần được tăng cường để đảm bảo sát thực hơn;
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, hiện chưa có thông tin về thiệt hại do bão. Các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to.
Không chủ quan với áp thấp nhiệt đới
Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TW ngày 15/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT- Ủy ban Quốc gia ƯPSC, TT&TKCN; các công điện của các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão số 4.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, các địa phương cần tập trung huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, nhất là các sự cố hư hỏng về đê điều.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ và diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng điều kiện bị ảnh hưởng.
Khi đi vào vùng biển từ Thái Bình đến Nghệ An, bão số 4 đã suy yếu dần.
6h ngày 17/8: Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ở ven biển các tỉnh Thái Bình đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; tại Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Sầm Sơn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ở các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to.
Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm bão.
Đường đi của bão số 4 trong bản tin bão số 4 do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn phát lúc 5h ngày 17/8
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, như vậy sáng sớm nay (17/8) vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền tỉnh Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Đến 04 giờ ngày 18/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 103,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Ở vịnh Bắc Bộ sáng nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; huyện đảo Cô Tô có gió giật cấp 7. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 2-4m, biển động mạnh; sóng trên vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An cao từ 2-3m.
Do ảnh hưởng của bão, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; khu vực đất liền ven biển tỉnh Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Cảnh báo mưa lớn: Từ 16/8 đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 150-250mm), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (300-400mm). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm).
Từ hôm nay đến ngày 18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà và sông Thao lên mức BĐ2 và trên BĐ2; sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Mã, sông Chu có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, riêng sông Bưởi lên mức BĐ3 và trên BĐ3, thượng lưu sông Cả lên mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình và hạ lưu sông Cả ở mức BĐ1.
Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt tại Chương Mỹ (Hà Nội), Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa).
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.
Diễn biến chi tiết thời tiết cho các vùng trên cả nước ngày và đêm 17/8, phía Tây Bắc Bộ, nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; riêng Sơn La-Hòa Bình có mưa to đến rất to. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 70 - 100%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ, nhiều mây, đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, riêng vùng ven biển có mưa to đến rất to; ngày có mưa to đến rất to. Gió Tây Bắc cấp 4-5; riêng vùng ven biển gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Độ ẩm từ 80 - 100%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Thủ đô Hà Nội, nhiều mây, đêm có mưa vừa, có nơi mưa to; ngày có mưa to đến rất to. Gió Tây Bắc cấp 3-4. Độ ẩm từ 80 - 99%. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Miền Bắc và miền Trung mưa rất to
Các tỉnh từ Thanh Hóa -Thừa Thiên-Huế, nhiều mây, có mưa, mưa rào và có nơi có dông; riêng Thanh Hóa-Nghệ An có mưa to đến rất to. Gió Tây đến Tây Nam cấp 3; riêng vùng ven biển Thanh Hóa-Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8; riêng Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Độ ẩm từ 70 - 95%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 28-31 độ C, phía Nam có nơi trên 31 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng- Bình Thuận, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 60 - 95%. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75 - 99%. Tây Nguyên nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C; cao nhất 27-30 độ C. Nam Bộ nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 29-32 độ C.
P.V
Nguồn: thethaovanhoa.vn